Sự nghiệp tuồng Đào Tấn

Mộ Đào Tấn ở Tuy Phước, Bình Định

Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng. Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm quan vừa soạn tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, hàng chục vở tuồng, những vở còn diễn đến ngày nay là Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng... Hàng chục vở tuồng do ông soạn thảo và chỉnh lý có giá trị, sức hấp dẫn trong văn tuồng Đào Tấn ở chỗ:

  • Gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước, mặt khác lại mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.
  • Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng. Đào Tấn chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, thổi hồn vào trong những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ.
  • Tính tự sự - trữ tình, chất thơ trong từng kịch bản tuồng.

Tuồng phản chiếu khá đầy đủ diện mạo tâm hồn Đào Tấn, cũng như đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời tác giả. Vở tuồng đầu tiên Tân Dã đồn (1864) chưa thật sự mang dấu ấn phong cách riêng độc đáo, mà chỉ có giá trị mở đầu cho nghiệp tuồng suốt cuộc đời ông.

Tài năng của Đào Tấn về lĩnh vực tuồng hát bội chỉ thật sự có điều kiện mài giũa, khi ông chính thức được bổ làm chức quan trong ban Hiệu thư, soạn tuồng do nhà vua chỉ định. Soạn những vở như vậy, tất yếu Đào Tấn không có đất để thể hiện cái tôi cá tính nghệ sĩ của mình, nhưng bù lại đó là khoảng thời gian ông trau dồi được vốn ngôn từ bác học, trau chuốt lời văn tuồng bóng bẩy, giàu tính ước lệ uyên bác và nghiêm ngặt trong từng ý từng câu.

Từ 1898 – 1902 Đào Tấn soạn Cổ thành hội (còn gọi là Quan Công quá quan), Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn. Đây chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp tuồng Đào Tấn.

Quan niệm Đào Tấn đã thể hiện qua đôi câu đối ông viết ở "Học bộ đình":

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạSự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân

Tạm dịch:

Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh.Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.

Câu đối trên đã cho thấy một Đào Tấn ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật hát bội trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua nghệ thuật hát bội để nói lên nỗi niềm trước thời cuộc của chính mình, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này [2]

Có một giai thoại do cụ bà Đào Kim Yến (con gái ông, mất tại Sài gòn năm 1958) kể, hồi nhỏ bà được xem ông dựng vở Tây Du bằng cảnh thật, diễn viên diễn trong rừng núi thật, khán giả mang cơm nắm đi theo để xem diễn.